Nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường “Nghiên cứu thiết kế chế tạo mô hình đo hiệu suất động cơ điện ứng dụng trong sửa chữa, bảo dưỡng công nghiệp”
Chiều ngày 09/7/2021, tại phòng họp tầng 4, nhà A1, Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường do PGS.TS Phạm Văn Bổng đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo mô hình đo hiệu suất động cơ điện ứng dụng trong sửa chữa, bảo dưỡng công nghiệp” - Mã số: 23-2020-RD/HĐ-ĐHCN của nhóm nghiên cứu là các giảng viên khoa Điện do TS. Lê Anh Tuấn làm chủ nhiệm.
Mô hình đo công suất đầu ra động cơ với cảm biến mômen hiển thị trên máy tính
Xuất phát từ thực tiễn, các động cơ điện sau một thời gian làm việc cần thiết phải sửa chữa, bảo dưỡng để phục hồi các hỏng hóc, duy trì các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như hiệu suất, hệ số công suất không đổi để tiếp tục đưa động cơ vào vận hành. Tuy nhiên tại các đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng động cơ điện quy mô nhỏ sau quá trình sửa chữa bảo dưỡng việc kiểm tra động cơ điện thường chỉ dừng lại ở kiểm tra cách điện, điện trở pha, dòng điện định mức, ... Còn thông số hiệu suất không được kiểm tra do có sự khó khăn, phức tạp trong đo lường, thiết bị đo có giá thành cao. Vì vậy vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có thiết bị đo kiểm tra hiệu suất động cơ điện phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, ứng dụng trong các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng nhỏ.
TS. Lê Anh Tuấn - Chủ nhiệm, thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo đề tài trước Hội đồng nghiệm thu
Vì thế, nhóm nghiên cứu do TS. Lê Anh Tuấn đã thực hiện đề tài đã thiết kế, chế tạo và hoàn thiện thiết bị đo hiệu suất động cơ điện ứng dụng trong sửa chữa, bảo dưỡng công nghiệp. Thiết bị đo hiệu suất động cơ có khả năng đo các công suất từ 1HP÷5HP, tốc độ vòng quay tối đa 3000 vg/phút. Ngoài ra, thiết bị còn cho phép đo và hiển thị các thông số khác của động cơ như hệ số công suất, mômen xoắn đầu trục, dòng điện, điện áp, công suất đầu vào, đầu ra, tốc độ trên máy tính. Thiết bị đã được thử nghiệm với 02 nhóm động cơ: 1) Nhóm 1 gồm 02 động cơ công suất 1,5 kW và 3kW mới của công ty Cổ phần chế tạo Điện cơ Hà Nội và 2) Nhóm 2 gồm 2 động cơ cùng chủng loại Y3-80M1-4 B3-PARMA trong đó một động cơ mới và một động cơ đã trải qua sửa chữa, bảo dưỡng. Kết quả thử nghiệm cho thấy thiết bị đo làm việc có độ chính xác tin cậy phản ánh đúng thực tế của quá trình sửa chữa bảo dưỡng động cơ.
Sản phẩm mô hình thử nghiệm hiệu suất động cơ điện của đề tài
Giao diện HMI để giám sát đo lường các thông số động cơ trên máy tính
Thiết bị được thí nghiệm được Hội đồng nghiệm thu cấp trường đánh giá rất cao, có thể ứng dụng để đo các thông số của động cơ một cách hiệu quả, trực quan tại các phòng thí nghiệm máy điện trong các trường đại học. Nếu được đầu tư hoàn thiện hơn nữa, thiết bị hoàn toàn khả thi khi ứng dụng trong các trung tâm sửa chữa bảo dưỡng nhỏ tại Việt Nam.
Thứ Sáu, 22:48 09/07/2021
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.