Nghiệm thu cấp đơn vị đề tài NCKH cấp trường: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo mô hình máy biến áp điện tử 1 pha có khâu trung gian tần số cao”
Ngày 29/3/2021 tại phòng Hội thảo tầng 5-A7, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp đơn vị đề tài NCKH cấp trường: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo mô hình máy biến áp điện tử 1 pha có khâu trung gian tần số cao” của nhóm nghiên cứu khoa Điện do TS. Bùi Văn Huy làm chủ nhiệm.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài NCKH
Đề tài có thể được tóm lược gồm nội dung nghiên cứu chính: (1) Nghiên cứu tổng quan về SST, (2) Phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án thiết kế và (3) Thiết kế chi tiết, mô phỏng và chế tạo mô hình SST 1 pha có khâu trung gian tần số cao.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài đã hoàn thành tốt những nội dung, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra. Mô hình SST 1 pha làm việc ổn định. Hội đồng nghiệm thu thống nhất đồng ý đề xuất Đề tài được nghiệm thu sớm tại Hội đồng cấp trường.
Mô hình máy biến áp điện tử 1 pha của nhóm nghiên cứu
Máy biến áp (MBA) có có mặt ở tất cả các khâu trong hệ thống điện như: truyền tải, phân phối điện; trong các thiết bị cá nhân, các bảng mạch của nhiều thiết bị điện – điện tử. MBA truyền thống có kích thước lớn, chiếm rất nhiều diện tích; thường được làm mát bằng dầu, rất dễ bị rò rỉ gây mất an toàn. Ngoài ra, MBA truyền thống được coi là một thiết bị khá thụ động và không được thiết kế để làm việc với lưới điện có nguồn năng lượng phân tán như gió, mặt trời và hệ thống tích trữ năng lượng (pin, ắc quy), phụ tại có sự thay đổi nhanh
Ngày nay, nhờ có những tiến bộ về công nghệ bán dẫn, có thể cho phép thiết kế chế tạo MBA phân phối thông minh hơn để hạn chế những thiếu sót kể trên của MBA truyền thống, đó là MBA điện tử (SST- Solid State Transformer). SST cũng hứa hẹn xử lý được những nhiệm vụ khó khăn mà MBA truyền thống không thể thực hiện được, chẳng hạn quản lý dòng năng lượng điện biến đổi nhanh trao đổi giữa một lưới siêu nhỏ (μGrid) với lưới điện Quốc gia. Hơn nữa, SST có thể được mô đun hóa rất thuận tiện trong vận chuyển và lắp đặt. Ngoài ra, chúng có kích thước nhỏ ba lần và khối lượng bằng một nửa so với MBA thông thường khi có cùng dung lượng.
Trong tương lai, SST có thể được lắp đặt ở những nơi có hạ tầng điện năng bị hư hỏng trong những nỗ lực khắc phục thảm họa. Nó cũng có thể sẽ được ứng dụng cho các tàu hải quân, nơi mà yếu tố khối lượng và kích thước của các thiết bị cần phải được cân nhắc cẩn thận. Trong tương lai xa hơn, SST sẽ góp phần định hình lại hệ thống điện, đặc biệt đối với các lưới điện phân tán có lượng năng lượng tái tạo với hệ thống lưu trữ lớn, cần cải thiện tính ổn định và hiệu suất của quá trình truyền tải, phân phối điện.
Thứ Hai, 17:02 29/03/2021
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.